Phân loại tái sản xuất Tái sản xuất xã hội

Xét về quy mô của tái sản xuất, có thể chia thành hai mức độ là: tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.

  • Tái sản xuất giản đơn: Là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô như cũ. Đây là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất nhỏ. Trong tái sản xuất giản đơn năng suất lao động rất thấp, thường chỉ đạt mức đủ nuôi sống con người, chưa có sản phẩm thặng dư (sản phẩm dư thừa) hoặc nếu có một ít sản phẩm thặng dư thì cũng chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân, chứ chưa đủ dùng để mở rộng sản xuất.
  • Tái sản xuất mở rộng: là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước và là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất lớn. Để có tái sản xuất mở rộng thì năng suất lao động xã hội phải đạt đến một trình độ cao nhất định, vượt ngưỡng của sản phẩm tất yếu (sản phẩm cần phải có để tiêu dùng) và tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư.

Theo kinh tế chính trị Mác-Lênin thi lịch sử phát triển nền sản xuất xã hội cho thấy việc chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là quá trình lâu dài gắn liền với quá trình chuyển nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn. Tái sản xuất mở rộng có thể được thực hiện theo hai hướng (mô hình) gồm:

  • Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng: Là sự mở rộng quy mô sản xuất chủ yếu bằng cách tăng thêm các yếu tố đầu vào (vốn, tài nguyên, sức lao động...)., số sản phẩm làm ra tăng lên nhưng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất không thay đổi (không tăng thêm).
  • Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu: KLà sự mở rộng quy mô sản xuất làm cho sản phẩm tăng lên chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất. Còn các yếu tố đầu vào của sản xuất căn bản không thay đổi, giảm đi hoặc tăng lên nhưng mức tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào. Điều kiện chủ yếu để thực hiện tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu là ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.

Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng sẽ khai thác được nhiều các yếu tố đầu vào của sản xuất nhưng có nguy cơ làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường.... Còn tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu sẽ hạn chế được các nhược điểm trên vì việc sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm được các chi phí vật chất trong một đơn vị sản phẩm làm ra.